Tin tức
Tin tức
18 April, 2024

5 lợi ích của vitamin C đối với sức khỏe

Vitamin C là một trong những chất giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin này thậm chí có thể khiến cơ thể dễ mắc các bệnh hơn. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất hoặc dự trữ vitamin C nên việc bổ sung vitamin C hàng ngày là điều quan trọng để tăng sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật. Vậy, mỗi người cần bổ sung bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?

Mỗi người cần bổ sung bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?

Vitamin C còn được gọi là axit L-ascorbic, là một loại vitamin tan trong nước có tự nhiên trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả như ớt đỏ, cam và bưởi. Vitamin C được coi là chất dinh dưỡng thiết yếu vì cơ thể không thể tự sản xuất được mà phải lấy từ thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung.

Theo giá trị dinh dưỡng khuyến nghị cho thấy nhu cầu vitamin C sẽ thay đổi tùy theo tuổi và giới tính. Những người đang mang thai hoặc cho con bú có thể cần lượng vitamin C cao hơn. Theo Viện Quốc gia về Y tế RDA cho biết mỗi người cần bổ sung lượng vitamin C như sau:

  • 0 – 6 tháng: Nam: 40 milligrams; nữ: 40 milligrams.
  • 7 – 12 tháng: Nam: 50 milligrams; nữ: 50 milligrams.
  • 1 – 3 tuổi: Nam: 15 milligrams; nữ: 15 milligrams.
  • 4 – 8 tuổi: Nam: 25 milligrams; nữ: 25 milligrams.
  • 9 -1 3 tuổi: Nam: 45 milligrams; nữ: 45 milligrams.
  • 14 – 18 tuổi: Nam: 75 milligrams; nữ: 65 milligrams (không mang thai), 80 milligrams (mang thai), 115 milligrams (cho con bú).
  • Trên 19 tuổi: Nam: 90 milligrams; nữ: 75 milligrams (không mang thai), 85 milligrams (mang thai), 120 milligrams (cho con bú).

Ngoài ra, những người thường xuyên hút thuốc cần thêm 35 miligam vitamin C mỗi ngày so với những người không hút thuốc.

5 lợi ích của vitamin C đối với sức khỏe

Việc bổ sung đủ lượng vitamin C trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe sau đây:

Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Vitamin C có lợi cho sức khỏe tim mạch bởi vì nó có khả năng liên kết với các gốc tự do, giúp ổn định huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe của các mạch máu. Một đánh giá và phân tích kết hợp của 8 nghiên cứu năm 2020 đã chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin C có thể giảm đáng kể huyết áp, một yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch, ở những người có huyết áp cao. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin C có thể giảm mức cholesterol và chất béo trung tính ở một số nhóm người, bao gồm cả những người có trạng thái vitamin C thấp, những người có mức cholesterol và chất béo trung tính cao.

Giảm các cơn đau gút

Vitamin C không chỉ giúp giảm đau và viêm do bệnh gút gây ra mà còn có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu, từ đó ngăn ngừa các cơn đau cấp của bệnh. Bệnh gút là một tình trạng viêm khớp đặc trưng bởi sự đau và viêm nặng ở các khớp. Một điều đặc biệt nữa là vitamin C cũng có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh gút. Một thử nghiệm ngẫu nhiên đã chỉ ra rằng việc sử dụng 500 miligam vitamin C mỗi ngày đã giúp giảm 12% nguy cơ mắc bệnh gút, số liệu được chẩn đoán ở hơn 1.400 bác sĩ.

Cải thiện làn da

Vitamin C không chỉ cải thiện vẻ ngoài tổng thể mà còn tăng độ đàn hồi của da. Nhờ vào khả năng hoạt động như một chất chống oxy hóa, việc hấp thụ vitamin C qua thực phẩm hoặc bôi thoa mỹ phẩm đều có thể bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím (UV). Ngoài ra, vitamin C cũng có thể kích thích sản xuất collagen, một thành phần quan trọng của da. Đặc biệt là khi càng lớn tuổi, sự sản xuất collagen sẽ giảm đi, dẫn đến sự xuất hiện của nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa khác.

Tăng cường miễn dịch

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động có hại của các gốc tự do. Thậm chí nó còn hỗ trợ chức năng hàng rào biểu mô chống lại mầm bệnh và thúc đẩy hoạt động chống oxy hóa của da. Vitamin C có trong các tế bào thực bào như bạch cầu trung tính và có khả năng thúc đẩy quá trình thực bào, tạo ra các loại oxy phản ứng và cuối cùng tiêu diệt vi khuẩn đã xâm nhập vào cơ thể.

Hấp thụ sắt

Vitamin C có thể cải thiện quá trình hấp thụ sắt không heme, một dạng sắt chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Điều này giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị thiếu máu do thiếu sắt, một tình trạng ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tế bào hồng cầu khỏe mạnh, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, da nhợt nhạt và cảm giác lạnh ở tay chân.

Một số lưu ý khi bổ sung vitamin C

Vitamin C là một trong những loại vitamin thiết yếu trong cơ thể, tuy nhiên, khi bổ sung vitamin C bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không tiêu thụ quá nhiều vitamin C: Nếu cơ thể tiêu thụ vượt quá 3.000 miligam vitamin C mỗi ngày thì các tác dụng phụ có thể xảy ra như: Tiêu chảy, tăng nguy cơ sỏi thận và tình trạng quá tải sắt ở những người mắc bệnh hemochromatosis (một tình trạng di truyền làm tăng hấp thu sắt).
  • Nên dung nạp vitamin C qua chế độ ăn uống: Các chuyên gia khuyên rằng ăn trái cây và rau quả mỗi ngày sẽ cung cấp cho cơ thể lượng vitamin C cần thiết. Vì loại vitamin này có trong rất nhiều loại thực phẩm nên hầu hết mọi người không cần phải bổ sung bằng viên vitamin C như viên sủi C, trừ khi được bác sĩ khuyên dùng.
  • Thời điểm bổ sung vitamin C: Khi bổ sung vitamin C, bạn cần uống nhiều nước. Vitamin C tan trong nước, nên uống nhiều nước sẽ làm tăng khả năng hấp thu vitamin C. Thời điểm tốt nhất để uống vitamin C là khi bụng đói. Vì vậy, cần bổ sung vitamin C trước bữa ăn sáng, không nên bổ sung vitamin C vào buổi tối vì có thể gây mất ngủ.

Nếu có biểu hiện bất thường sau khi bổ sung vitamin C, bạn nên liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong cơ thể và việc bổ sung nó là điều cần thiết hàng ngày. Tuy nhiên, việc bổ sung cần được đảm bảo hiệu quả mà không gây hại cho sức khỏe. Hy vọng những thông tin về 5 lợi ích của vitamin C đối với sức khỏe được cung cấp ở bài viết trên sẽ mang lại cho bạn những kiến thức hữu ích.